Monday 7 March 2011

NGƯỜI ĐÀN BÀ HIẾN MÁU

NGƯỜI ĐÀN BÀ HIẾN MÁU
(The Blood Donor Woman)
Trang Thuận Phong
Lập Ðông Mậu Dần
Tu chính Mạnh Xuân Tân Mão
March 08, 2011 Kỷ Niệm 66 Năm Nhựt đảo chánh Pháp ở Đông Dương

Lời Tác Giả: Đại Tá Trần Đông Phong là người trong cuộc. Ông nguyên là một sĩ quan tham mưu có tiếng là tài giỏi nhưng sau 17 năm cải tạo, ông đã bỏ lại trong trại tù của CS Việt Nam biệt tài viết lách, nên ông không thể viết lại được ngay cả những biến cố quan trọng của đời mình, nên ông phải nhờ tôi viết giúp. Để tránh ngộ nhận, tôi đã mạn phép đổi danh tính các nhân vật trong chuyện. Nếu chẳng may có trùng với một ai thì đó là ngoài ý muốn của tác giả. Đa tạ.

Song Trang

I

Hằng năm, cứ cuối đông sang xuân là y như tôi bị một chứng ho, không do thời tiết thay đổi gây nên mà là do một số cây cỏ, loại phấn của bông hoa bay trong không trung, gây cho tôi dị ứng. Điều nầy tôi chỉ biết ít năm gần đây nhờ đọc sách báo và bài trên Internet. Năm nay, gần như định kỳ, vào đầu tháng 5 thì chứng dị ứng trở lại. Tôi lại phải đi Kaiser Urgent Care để bác sĩ cho toa mua PROMETH (Syrup Plain 6.25 mg/5 mL chai 8 Fl.Oz) vì chỉ có loại thuốc có Phenergan, mới có thể trị dứt được chứng ho dị ứng nầy. Và nếu sự tình chỉ có vậy thì cũng chẳng có gì để đáng phải viết thành câu chuyện. (Chuyện=Fact. Truyện=Fiction)

Hôm đó tôi có hẹn với Bá sĩ Tim (tên gọi tắt củaTimothy) vào lúc 10 giờ sáng Thứ Bảy. Tôi vừa làm thủ tục hành chánh xong thì cô y tá Mỹ trắng ra mời tôi vào để cân và đo mạch rồi dặn tôi ngồi chờ bác sĩ đến khám bệnh. Độ mười phút sau, cánh cửa phòng xịch mở, một bác sĩ người Á Đông, rất trẻ bước vào phòng nơi tôi đang ngồi chờ. Một câu chào xã giao bằng tiếng Mỹ rồi những câu hỏi tiếp theo cũng như thủ tục khám bệnh diễn tiến như những lần trước. Giọng nói của bác sĩ nầy dù rất lưu loát nhưng phát âm không giống như những người được sinh ra và lớn lên tại Mỹ.

Ông xem hồ sơ bệnh lý và lý do tôi đến khám bệnh hôm nay, ông hỏi: Đây là lần thứ mấy ông tới gặp bác sĩ vì chứng ho nầy?

Có lẽ đây là lần thứ ba mà cũng vào khoảng tháng nầy mỗi năm. Lần nào cũng vậy, tôi cứ nghỉ là “tứ thời cảm mạo/ A seasonal sickness” nên tôi mua thuốc ho ở pharmacy về uống. Tuy nhiên, thuốc ho đó không trị được chứng ho “dị ứng” nầy nên tôi cần phải có toa bác sĩ vì chỉ có thuốc ho Prometh (Phenergan) mới trị được.

Bác sĩ khám cổ họng, ngực, lưng v.v...xong ông ấy nói: Tất cả đều bình thường. Có thể ông bị dị ứng như ông vừa nói. Tuy nhiên để cho chắc, trước khi ông ra về, ông ra phòng đợi ngồi chờ tôi một lát. Tôi làm theo lời bác sĩ và cảm ơn trước khi bước đi.

Ra phòng đợi, tuy hơi hồi hộp, không biết là bác sĩ có gì nghi ngờ hay không, tôi với lấy tạp chí Popular Mechanic cũ đọc để giết thì giờ. Độ mười lăm phút sau thì Bác sĩ Tim quay lại. Ông vui vẻ nói: Mời ông trở lại phòng khám bệnh. Tôi đi theo. Xin lỗi đã làm cho ông chờ đợi mà không rõ lý do. Đáng lẽ bác sĩ phải nói cho bệnh nhân những gì liên quan tới ho. Nhưng vì vội quá nên tôi đã quên! Kết quả cho thấy là ông chỉ bị dị ứng theo thời khí thiên nhiên. Đây là toa thuốc. Hy vọng tuần sau ông sẽ khỏi bệnh. Cô y tá vào lấy hồ sơ bệnh lý của tôi rồi vội vàng quay ra.

Tôi nhận thấy những người làm việc ở đây dường như họ không đủ thì giờ để quán xuyến hết mọi công việc giao phó (!). Ai ai cũng tất tả như chạy đua với kim đồng hồ! Trong lúc tâm trí tôi đang suy nghĩ mông lung thì bác sĩ Tim cất tiếng hỏi: Chắc là ông định cư ở đây lâu rồi thì phải. Nếu đúng vậy thì có lẽ ông đã quen với phong thổ và khí hậu của địa phương nầy rồi chứ!

Tôi nói đùa bằng cách nhại câu thơ của Nguyễn Bính “Gió mưa là bệnh của Trời” mà bác sĩ . Dù cho có phải sụt sùi thì cũng đành vậy, chớ biết sao?

Bác sĩ Tim nhìn tôi như có vẽ tham dò, rồi nói: Tự nhiên tôi thấy rất có thiện cảm với ông (*). Vậy nhân cơ hội nầy tôi mời ông, chiều Thứ Bảy tới đây, đến nhà tôi hàn huyên vì tôi từ nhỏ chưa có dịp may nào được hầu chuyện với một vị cao niên vào hạng tuổi của cha mẹ. Hy vọng là tôi sẽ tiếp thu được nhiều điều quý báu chăng.

Thật là vạn hạnh khi được một người trẻ, trí thức, ân cần, nhất là ở nước ngoài, thì còn vui sướng nào bằng. Vậy tôi sẽ tới đúng hẹn.

Bác sĩ Tim vui vẻ cảm ơn và chào tôi để trở lại tiếp tục làm việc, còn tôi đi ra bãi đâu xe nhưng vì suy nghĩ mông lung chuyện vừa qua nên lạc mất chỗ xe đậu. Loay hoay đi tìm mất cả mười phút, đến lúc đứng ngay sau xe của mình mà không nhận ra vì thường ngày tôi dùng thay đổi hai chiếc xe khác màu để luân phiên nên quên.

II.

Tôi giữ đúng hẹn. Tôi ghé qua L&M Flower Shop mua một bó hoa Chrysanthenum White (Hoa Cúc trắng biểu hiện cho một tấm lòng thành thật) để tặng cho gia đình mới quen. Tôi điện thoại tin cho bác sĩ Tim là tôi đang trên đường đến nhà ông ấy.

Khu đất hai mẫu (acres) thuộc vùng ngoại ô của một thành phố đang phát triển, việc đi lại rất thuận tiện nhờ ba xa lộ giao nhau, tất cả đều gần nhà. Tôi đi một mạch từ nhà đến đây không một chút khó khăn. (Lúc bấy giờ chưa có máy Định Vị GBS) Khi xe tôi vừa tới cổng thì Bác sĩ Tim đã sẵn sàng đón và hướng dẫn tôi vô vườn hoa sau nhà, nơi đã được sắp đặt cho buổi hội ngộ. Cảnh vật đầu tiên thu hút tôi là hòn non bộ cùng vườn hoa kiến trúc theo văn hóa Á Đông . Tôi thầm nghĩ có lẽ đây là ý muốn của người cao niên miền Trung Việt Nam, chịu ảnh hưởng cố đô chăng. Thấy tôi ngắm nhìn một cách say sưa, bác sĩ Tim nói: Chắc là ông ngạc nhiên về kiến trúc của vườn hoa nầy phải không? Đó là sáng kiến của bà thân tôi. Từ việc mua nhà tới cách thực hiện sân trước vườn sau, đều do bà phát họa. Lúc đó tôi chưa lập gia đình và là năm chót nộp luận án ra trường nên tôi bận tâm lo học hơn là những việc khác. Tuy nhiên, sau nầy, tôi thấy tác dụng dưỡng sinh của nó rất tốt đó ông ạ. Sau giờ làm việc, nhờ cảnh vui thú điền viên mà tinh thần tôi cảm thấy thoải mái. Tôi ngắm nhìn non bộ thật lâu và nghĩ ngay rằng có thể đây là một đề tài hoài vọng của gia chủ chăng?

Tại sao họ không chọn Phúc Lộc Thọ hay một đề tài nào khác mà lại chọn “Phụ Tử ?” Có lý nào, một quan phụ (single mother) đang sống tại đây mà người con lại thiếu vắng Tình Cha?

Thấy tôi đang có chiều suy tư, Bác sĩ Tim đem tách trà ướp sen đến mời tôi và nói: Tôi không uống trà vì nhiều lẽ nhưng má của tôi dạy cách pha trà để mời khách. Tôi nâng tách trà đang bốc hơi lên ngang mũi để ngửi hương thơm ngào ngạt của trà. Khen thực tình thì cũng không nói lên hết được ý nghĩa mình muốn nói, nên tôi nói: Tôi vẫn còn nhớ như in là trước khi rời Việt Nam không lâu, tôi đã có dịp thưởng thức một chung trà với hương vị đậm đà như thế nầy và theo tôi nghĩ là trong gần ba năm tại Huế, lần đó là một dịp duy nhứt mà thôi. Phải chăng bác sĩ là hậu duệ của người đàn bà kia?

Ông vừa nhắc đến một người đàn bà nào đó đã pha trà giống thế nầy. Vậy ông còn nhớ tên người
và nơi chốn đó không?
Uống nước nhớ nguồn mà! Làm sao quên được, Bác sĩ.

Thực tình mà nói, đối với cư dân lâu đời “có máu mặt” tại địa phương, chọn một ngôi nhà vừa ý đã không phải là chuyện dễ. Thế mà một người đàn bà trạc ngũ tuần, từ bên kia Đại dương đến đây năm 1992, theo Diện Nhân Đạo lại thực hiện được hoài bão của mình một cách suôn sẻ với một vài trợ giúp thông thường của văn phòng luật sư thì phải nói là bà ấy vừa thông minh vừa quán xuyến, ít ai bì được!

III.
Câu chuyện xã giao đã nhanh chóng trôi qua, vị bác sĩ trẻ đã bắt đầu tâm sự:
Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời, tôi thật sự có cảm tình với một người đồng hương cao niên đang ở nước ngoài. Má của tôi cũng thường nói: “Tiếp xúc với một người đàn ông cao niên Việt Nam mà thông cảm được họ thì đó là cả một vấn đề vì suốt hơn ba mươi năm chinh chiến, một cuộc chiến lãnh đạo bởi những giáo điều hoang tưởng, dù cho họ là người - Quốc Gia hay Cộng Sản – họ đều lý tưởng hóa hành động của họ và họ luôn luôn cho đó là đúng. Nhờ vậy mà họ khắc phục được gian lao và nguy hiểm để vượt qua muôn vàn khó khăn. Bà nhấn mạnh: Và đó cũng là đức tính của Ba con ngày xưa đã làm má xiêu lòng!” Có lẽ những đức tính của ông, dù sơ giao nhưng cũng cho tôi thấy là có phần nào gần gũi với những gì bà thân của tôi đã nhiều lần đề cập.Vậy thì trước sau gì chúng ta cũng trở thành thân quen nên tôi đề nghị với ông, cho phép thay đổi cách xưng hô. Đối với xã hội thì tôi là bác sĩ nhưng chỗ thân tình thì tuổi của tôi giỏi lắm chỉ bằng con út của ông mà thôi. Vậy từ bây giờ, cháu kính bác như người thân thuộc còn bác cứ gọi cháu là Thịnh (Tim), vợ của cháu là Linh Trang (Linda) còn cháu bé là Thái (Tamy). Cháu không có thân quyến và bạn bè nên cũng không đi đâu. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ có mấy người trong gia đình. Mong bác vui lòng chấp nhận nhé.

Việc gì đến rồi nó cũng sẽ đến và để cho nó đến một cách tiệm tiến và tự nhiên như mình thường mong đợi thì lúc đó mình sẽ không bị hụt hẫng, chới với, đến nỗi khó lòng mà phản ứng cho phù hợp với thực tại. Tôi đang chờ đợi giây phút thiêng liêng nầy thì bác sĩ Tim hỏi: Liệu đề nghị của cháu có gì làm bác phân vân phải không?

Tôi trở về với thực tại, liền đáp: Thật là vạn hạnh! Thêm con thêm cháu là phước đức trời cho.
Phân vân thì không nhưng liệu bà thân của cháu có chấp nhận hay không? Biết đâu cách xưng hô nầy sẽ gợi lại trong tâm trí của bà một kỷ niệm nào đó, khiến cho tâm trí của bà bị phân hóa.

Bác lo xa quá! Má cháu là một người đàn bà rất quả cảm! Ngày xưa, với tư cách là một người đàn bà độc thân mà bà đã bất chấp dư luận để hiến máu cứu sống một sĩ quan cao cấp của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, mà người đó không một chút liên hệ gia đình nhưng bà vẫn làm thì đủ biết cách xử sự của bà như thế nào. Từ ngày cháu khôn lớn, thỉnh thoảng má của cháu cũng thường hay bóng gió xa xôi rằng nhờ ân sủng của người đã nhận máu của bà mà cháu được cơm no áo ấm, ăn học cho đến ngày nay có điều là bà muốn cho cháu biết là – con giống ba của con như một bản photocopy, từ vóc dáng tới tánh tình nhưng tiếc rằng, cháu không có được một tấm hình để giúp cháu kiểm chứng! Tiếc thật! Biết đâu, nhờ tiếp xúc với bác mà cháu sẽ tìm được cội nguồn!

IV.

Thấy bác vui cháu rất mừng và nghĩ là mình đang làm một việc có ý nghĩa. Vậy bác có kỷ niệm nào mà bác cho là đáng để kể cho cháu nghe không?

Cuộc đời quân ngũ thì không thiếu gì kinh nghiệm vui buồn vì nơi đó là một xã hội thu hẹp của một quốc gia nên có đủ tất cả các thành phần, nhưng lại rất kỷ cương. Vì vậy nên trong sự giao tế, nhất là sĩ quan, đối với cấp trên cũng như cấp dưới đều nhất mực lễ độ và vô tư. Tuy vậy, bất cứ xã hội nào, nhất là các quốc gia chậm tiến, sự công bằngdù cho là tương đối – cũng khó tìm thấy. Do đó những quân nhân thân cô thế cô, họ sống tại tuyến đầu với từng giây từng phút đầy gian lao và nguy hiểm, thiếu thốn mọi thứ, cho dù đó là những nhu cầu cấp thiết của con người. Họ phải sống xa gia đình, có khi cả năm mới có vài ngày phép về thăm. Họ phải âm thầm chấp nhận và luôn luôn tâm nguyện là ngày về của họ vẫn còn được an lành, không phiền lụy tới gia đình vì thương tích chiến tranh, là tốt rồi! Nhưng thay vì họ được hậu phương tôn vinh và ghi ơn, thì...

Đầu năm 1971, Việt Nam Cộng Hòa phóng ra cuộc hành quân Lam Sơn 719 để vượt biên sang Lào, tiêu diệt và phá hủy lực lượng hậu cần, yểm trợ cuộc chiến tại miền nam của Bắc Việt. Tôi được trung tướng HXL chỉ định làm phụ tá cho ông như một Tham Mưu Trưởng để điều hành Bộ Tham Mưu của cuộc hành quân nầy. Vào sáng ngày N, trước khi tổng thống NVT tuyên bố trên hệ thống truyền thông quốc gia về cuộc hành quân qui mô nầy, và khi tôi vừa cài xong giây an toàn ở ghế phi công phụ của trực thăng chỉ huy (UH1D, Control & Command) để cất cánh thì qua hệ thống âm thoại, tôi nhận được lệnh trở vô Trung Tâm Hành Quân để trình diện trung tướng HXL. Tại đây ông nói: “VC đã gia tăng áp lực lên hai quận lỵ Thường Đức và Đại Lộc, gây xôn xao cho Đà nẵng cách đó khoảng 15 cây số. Vậy anh hãy cấp tốc quay về trong nớ để cố gắng giải tỏa.” Tôi tuân lệnh và chào ông đi ra. Lúc đi ngang qua Trung Tâm Phối Hợp Hỏa Lực, tôi bảo trung tá Vĩnh An ra thay thế đại tá CKN để sĩ quan nầy thay thế tôi. Trung tá Vĩnh An mang ba-lô ra trực thăng thì tôi cũng đồng thời lên một trực thăng khác để bay về Đà Nẵng. Cả hai cùng cất cánh một lượt, tôi bay về hướng Nam còn trực thăng trên đó có trung tá Vĩnh An thì bay về hướng tây bắc, trực chỉ Tchépone (Lào). Không đầy 10 phút bay sau đó, trên hệ thống an phi, tôi nghe phi công của chiếc trực thăng nầy báo cáo là đã bị trúng hỏa tiễn SA 7 của VC và sau đó im bặt vô tuyến. Từ đó cho đến gần một tiếng đồng hồ sau, tôi không nhận được tin báo nào cụ thể. Về đến Đồi 55, khoảng 15 km tây nam Đà nẵng, tôi huy động lực lượng khả dụng, phản công cộng quân. VC đã không ngờ là tôi từ Khe Sanh trở về và hành động nhanh như vậy nên chúng phải thay đổi kế hoạch. Suốt gần hai tuần lễ hành quân phản công, giải tỏa hai quận lỵ Thường Đức và Đại Lộc, vãn hồi an ninh lại cho các vùng nầy, tôi không nghe tin tức nào về chiếc trực thăng bị trúng SA.7 cả. Coi như mất tích!

Hai tuần lễ sau, áp lực địch đã được giải tỏa và tình hình đã kip thời ổn định. Tuy là bận rộn công vụ nhưng tâm tư của tôi không mấy thanh thản vì tôi cảm thấy tai nạn xảy ra với trung tá Vĩnh An cũng là do tôi một phần cho dù không một ai biết là tôi đã ra lệnh cho ông ấy. Đối với Quân Đội, hy sinh khi thi hành nhiệm vụ là chuyện thường tình.Tuy nhiên, tôi củng cố tự an ủi là con người sống chết đều có số, biết đâu ông ấy không bị tai họa khác nếu không cùng đi với đại tá CKN. Thế rồi vì bị ám ảnh bởi một việc làm “linh động” mà không thuộc trách nhiệm của mình nên tôi âm thầm trở lại Huế, tìm đến gia đình của trung tá Vĩnh An để trước hết là chia buồn với gia đình nạn nhân và sau nữa kín đáo tìm hiểu xem mình có thể giúp được gì cho họ để làm vơi đi dằn vặt đang thôi thúc trong lòng.

Trước khi gặp gia đình trung tá Vĩnh An, tôi nghĩ là phải tìm cho được một người đàn bà để đóng vai “sứ giả” vì đàn bà với nhau, họ hiểu nhau và dễ dàng thông cảm với nhau hơn là tôi, cho dù tôi có khéo léo đến đâu, câu chuyện cũng sẽ coi như xã giao, khách sáo. Do đó tôi vận động Thành Bộ Thừa Thiên/Huế chọn một nữ đồng chí, ăn nói khéo léo để đạt mục đích chia buồn của tôi. Nữ đồng chí Lan Anh (LA) được đề cử để tháp tùng tôi. Trước khi vào nhà, bà nầy thắc mắc không hiểu tại sao hôm nay lại có ngoại lệ nầy vì đâu có phải tai nạn đó chỉ có mỗi một mình trung tá Vĩnh An! Tôi trả lời qua loa là tôi đã cử những người khác đại diện cho tôi, trong đó có hiền thê của tôi (có phái đoàn của ĐVCM trung ương do ông chủ tịch hướng dẫn, tháp tùng) đến chia buồn với đại tá CKN phu nhân. Nhờ cuộc thăm viếng nầy mà tôi được biết một gánh nặng gồm tất cả là bảy người trên đôi vai của bà MH, sau khi ông chồng lâm nạn, (Tứ thân phụ mẫu, hai người em gái, Mỹ Thể và Mỹ Linh, còn đang đi học và chính bà MH), mà không một nguồn tài trợ nào! Tôi nhờ đồng chí NXChữ đưa cho bà ấy một trăm ngàn đồng (bằng lương hai tháng của chồng bà) để bà lo việc cấp dưỡng tạm thời trong khi chờ đợi tìm được giải pháp lâu dài. Tôi âm thầm vận động anh em ĐV giúp vốn và nhờ Thượng nghị sĩ Hoàng xuân Tửu liên hệ với Bộ Kinh Tế cấp cho bà nầy một Đại Bài gạo để lấy lợi nhuận làm sinh kế cho gia đình.

Bà MH cũng là người tự trọng, đã lo toan việc nhà và buôn bán một cách trôi chảy nên hoàn trả số tiền vốn đủ số và đúng kỳ hạn.

Sau khi ngưng bắn năm 1973, bác trở ra Huế với nhiệm vụ khác nên có dịp tới thăm gia đình bà
MH đôi lần và được bà ấy mời dùng cơm. Trong bữa cơm sau cùng đó, bà đã chân thành nói lên lòng biết ơn sự giúp đỡ của bác và bóng gió, bà đưa ra nhận xét những đức tính tốt của bác đã làm cho bà cảm thấy u ẩn tấm lòng với một hoài cảm nào đó khó tỏ bày.

Thế rồi đầu năm 1974, Cộng sản Bắc Việt chuẩn bị chiến trường. Được tin đó, bác dùng trực thăng chỉ huy bay sát vùng tình nghi tây bắc Đá Bạc (gần Quốc lộ 1, khoảng 25 cây số phía Nam Huế). Chưa kịp quan sát rõ trận địa thì bị phòng không của Bắc Việt bắn trúng. Trực thăng bị trúng đạn, lao xuống một khu rừng rậm, cách Quốc lộ không xa. Không lực Việt Nam Cộng Hòa không có dụng cụ để cấp cứu vùng thâm sơn, nên Đại úy Quỳnh Hương cầu cứu Hạm Đội 7. Khoảng bốn tiếng đồng hồ sau thì bác được cấp cứu và đưa về Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương. Bà MH hay tin, tức tốc chạy vào thăm thì được bác sĩ Quyền cho biết là vết thương ở bên hông của bác khá nặng và đã bị mất rất nhiều máu. Hiện tại, Quân Y Viện đang thiếu máu đã gọi kho Y Dược Trung Ương tiếp liệu khẩn cấp nhưng hy vọng rất mong manh. Bà MH biết mình có loại máu A, có thể tiếp cho bất cứ ai, nên bà tình nguyện. Bà nói: Tôi tự nguyện hiến máu để cứu sống ân nhân của gia đình tôi. Bác sĩ vui lòng giúp cho. Bác sĩ Quyền chấp nhận và bằng lòng làm bổn phận của một lương y.

Nhờ lần hiến máu đó, bác lần lần tỉnh lại. Một người đàn bà đang đứng cạnh giường bịnh. Bác cố gắng để nhìn cho rõ nhưng hai mắt còn hoa, không nhận ra người đó là ai! Bác nhắm mắt lại để cố lấy lại sự tỉnh táo thì bác nghe một giọng nói thân quen: “ Mô Phật! Anh đã vượt qua được cơn nguy hiểm rồi. Thật là mừng! Anh mở mắt xem có nhận ra ai đây không? Chính Em đã hiến máu cho Anh đó! Lúc đó hình ảnh MH hiện lên trước mắt bác, nên phản ứng tự nhiên, bác đáp” Tấm lòng của chị thật là cao cả, đã bất chấp tất cả thị phi để cứu sống tôi. Gia đình tôi sẽ không bao giờ quên ơn chị!”

Thôi mà. Chút máu đó có đáng gì so với tấm lòng quảng đại của anh đối với gia đình em.Thôi nghĩ đi cho lại sức. Em về nấu chút cháo đem vô cho anh dùng, đỡ xót ruột vì từ sáng tới chừ anh chưa có gì trong bụng! Nói xong MH ra về.
Từ đó, MH giành lấy phần lo cơm nước và trang trải chi phí những toa thuốc bác sĩ cho để phục hồi sức khỏe cho bác.

Bác sĩ Tim có vẽ tò mò: Theo cháu đoán thì có lẽ hai người - bác và bà ấy – phải có sự liên hệ thân thiết nào đó. Vậy người đàn bà đã hiến máu để cứu sống bác là ai vậy, bây giờ ở đâu và ra sao?

Câu chuyện cũng hơi dài dòng. Lúc đầu thì bác nghĩ có lẽ là việc kẽ ân qua, người nghĩa lại, thường tình đó thôi, nhưng rồi thì nó không diễn ra đơn giản một chút nào! Một khi mà con người không còn kìm chế được tình cảm của họ thì dù cho có phải vượt qua chông gai hiểm trở họ cũng không quản ngại chút nào. Họ thương cảm và đau xót hơn cả chính đối tượng của họ. Và điều đó đã thể hiện rõ rệt khi tướng Trưởng đến gọi là thăm tôi.

Khoảng 5 giờ chiều ngày thứ hai tôi có mặt tại Quân Y Viện nầy, tôi thấy nhân viên ở đây đang lăng xăng lo cho việc viếng thăm của tướng Tư lệnh Quân Đoàn/Quân Khu A.
Một lát sau, Bác sĩ Y Sĩ Trưởng Quân Y Viện (BS/YST/QYV) hướng dẫn ông ấy đến thăm tôi. Lúc ấy thì MH, cũng đã có mặt bên cạnh giường bệnh của tôi. Cử chỉ của bà MH đối xử với tôi trong thời gian qua có phần thân mật khiến nhiều người hiểu lầm. Vì vậy Tướng TL QĐ tưởng là phu nhân của thương binh mà ông đang thăm nên ông ấy hỏi MH:
Bà mới từ Đà Nẵng ra đấy à?
Thưa không! Tôi là bạn và tôi đến đây từ tối hôm qua để tiếp máu cho anh ấy.
Thiệt vậy sao? Vậy bệnh viện không đủ máu à? Tướng Trưởng ngạc nhiên hỏi lại.
Trung tướng có nhận ra là trung tướng vừa xúc phạm tôi, cho rằng tôi bịa chuyện để lập công chăng? Tôi cứ cạn nghĩ là nếu tôi nói như thế thì Trung tướng sẽ nói một câu thật là tâm lý để đề cao tình “Quân Dân” chứ, nhưng tôi thật sự không ngờ! MH cay đắng nói.

Quay qua Bác sĩ Y sĩ trưởng QYV, tướng Trưởng bực tức hỏi: Có đúng như vậy không bác sĩ?

Vâng! đúng thế. Kho Y Dược Đà Nẵng nói là chiến trường nặng, thương binh nhiều, nên Kho Y Dược Trung Ương rất là bối rối vì số cầu hơn số cung. Do đó họ chỉ cung cấp số lượng máu theo khả năng hiện hữu. Họ không thể làm cách nào khác! Trước nguy kịch đó, bà MH đây tình nguyện hiến máu của chính bà. Thật là một hành động nhân đạo và quả cảm, đáng kính phục. BS YST QYV Nguyễn Tri Phương buồn bã đáp.
Bây giờ thì Trung Tướng đã hiểu sự thật rồi đó. Tuy là phũ phàng nhưng vẫn chưa muộn. MH nói với vẽ bực tức.
Có lẽ trong thâm tâm tướng TL QĐ tự hỏi là tại sao trước khi đến Quân Y Viện, mình không lường trước là sẽ gặp phải những trớ trêu nầy nên ông lưỡng lự hồi lâu để tránh giải đáp ưu tư của MH.
Ông ấy hỏi tôi: Kết quả quan sát thế nào?
Kết quả như tôi đã báo cáo thẳng về Trung Tâm Hành Quân (TTHQ) của Quân Đoàn đồng thời thông báo cho TTHQ Sư Đoàn và TTHQ của Bộ Tổng Tham Mưu.

Trong khi tướng TL QĐ đang trầm tư suy nghĩ thì MH, nói một cách bông lông, cố ý như để cho tướng Trưởng nghe: “Một sự thật mà hầu hết các cấp lãnh đạo chính trị cũng như quân sự của chúng ta không nhìn thấy hay không muốn biết. Họ lý tưởng hóa mọi việc. Họ toàn là những người đi trên mây cả! (Ý MH muốn nói là họ không một chút thực tế) Bao nhiêu chiến sĩ quả cảm của Đất Nước đã mạng vong chỉ vì thiếu cấp cứu kịp thời. Họ hô hào, đòi hỏi quân dân phải chiến đấu để bảo vệ Đất Nước. Ai ai cũng biết là khi nói tới chiến đấu là phải có thương vong. Biết đâu một số đáng kể những tử sĩ đang nằm trong lòng đất tại các nghĩa trang Quân Đội, rải rác khắp Miền Nam nầy chỉ vì thiếu cấp cứu! Vậy, Đất Nước nầy – mà họ là những viên chức nắm trọn quyền sinh sát và đại diện – đã làm được gì để đền đáp sự hy sinh lớn lao và quý giá đó, hay là chỉ bố thí 12 tháng lương rồi phủi tay, hết trách nhiệm như trường hợp Trung tá Vĩnh An! Quý vị từng đề cao lý tưởng Quốc Gia, vậy tại sao chính phủ không mở chiến dịch “Hiến Máu” để nhân dân có cơ hội nói lên lòng biết ơn chiến sĩ đã vì họ mà xả thân, trong đó có quý vị. Vậy liệu quý vị có cho câu “Nhất Tướng danh thành vạn cốt khô!”là đúng hay không?

Tới đây, bác sĩ Tim thảng thốt hỏi: Có phải ông trung tá Vĩnh An là chồng của bà Mỹ Hạnh bị mất tích như bác vừa mới nói không?

Đúng vậy. Tôi không được phép nói đến đời tư của họ. Tuy nhiên sự thể đó ai cũng biết, không riêng gì tôi và tôi tiếp tục kể lại:

Tướng TL QĐ: Tôi rất thông cảm với sự phiền trách của bà. Tuy nhiên, tôi cũng mong tất cả hãy hiểu rằng: Đất nước mình nghèo lại lâm vào cảnh chiến tranh triền miên, làm sao khỏi thiếu thốn!
Ông hết sức bực bội với những lời lẽ phàn nàn vừa rồi của MH, vì từ trước tới nay, đâu có ai dám ngổ ngáo phạm thượng như vậy! ( Lời của Y Sĩ Trưởng QYV). Ông nói qua loa với tôi vài câu chiếu lệ: Họ làm ăn bôi bác quá! Để tôi về hỏi lại xem sao. Thôi đại tá hãy tịnh dưỡng cho mau bình phục.
Nói xong, ông bắt tay tôi rồi ra về với một vẻ bất mãn ra mặt. (mà cũng không một lời chào bà MH! Tướng mà!)

Sau khi Tướng TL QĐ rời giường bệnh của tôi được vài bước thì MH nói với vẻ bực tức: “Trả lời cho một phụ nữ mà không dám nhìn thẳng vào mặt người ta. Phải chăng đó là tư cách của một ông tướng? Hèn chi trong dân gian, mỗi khi có người nào đó nói ngoa điều gì thì người ta bão là: “Nói cứ như ông tướng!”

Là một tướng lãnh từng được nhiều người ca ngợi, huyền-thoại-hóa cá nhân ông, nhưng người viết truyện nầy cũng thắc mắc, không hiểu họ ca ngợi vị tướng về đức tính nào, nhưng đây cũng là một dịp may để ông trực diện với một sự thật – chứ không do sĩ quan tham mưu của ông từng bưng bít – mà là do một phụ nữ không thuộc hàng trí thức hay danh gia vọng tộc, nêu lên.

V.

Sau khi thật sự bình phục, tôi mời tứ thân phụ mẫu và hai người em gái của MH đến Hương Giang dùng một bữa cơm thân mật để tôi nói lời cảm ơn, dù trực hay gián tiếp họ đã cứu sống tôi. Tất cả đều quý mến tôi và những câu nói đầy chân tình của họ đối với tôi, đã làm cho tôi suy nghĩ và bồi hồi xúc động.

Sau bữa cơm, tôi cho xe đưa tứ thân phụ mẫu của bà MH về nhà họ. Còn ba chị em MH, Mỹ Thể và Mỹ Linh cùng đi một xe với tôi (do tôi lái lấy). Khi gần đến cầu trường tiền thi hai cô em muốn ghé qua nhà ba má các cô ấy vì ngày mai Chủ Nhựt, không đi học. Tôi nói đùa: Các cô làm như thế nầy, không sợ tôi đem “giú” chị của các cô hay sao? Với giọng riễu cợt, Mỹ Linh phản pháo: “Anh có cố tình giú chị ấy thì cũng chỉ tốn công canh giữ (ý họ muốn nói chị của họ đẹp, nhiều người theo đuổi) chớ có được tích sự chi mô mà lo! Cả ba chị em phá lên cười. Đến nhà, hai cô em xuống xe còn nói với: Chúc hai người vui vẽ rồi vừa cười húc hích vừa đi vào nhà. MH nói cho đỡ ngượng: Ranh con có khác!


(Theo tôi, các cô ấy không muốn làm kỳ đà, nên để cho chúng tôi tự do chăng?)

Tới nhà MH, tôi đậu xe và qua bên kia dìu nàng xuống vì tôi nghĩ là nàng không quen đi xe Jeep (vì thành xe cao nên lên xuống khó dối với phụ nữ) nhưng MH hiểu lầm nên nhỏ nhẹ nói: Ôi chào! Galăng như ri mầng răng các o không “mết” được. Cũng tốt thôi. Tôi chống chế bằng cách nhại lại tiếng địa phương cho đỡ ngượng: Rứa mà cái lạnh của Huế vẫn cứ đeo đẳng tui mới lạ tề. Nàng biết tôi nhại tiếng địa phương nên cười khúc khích và trách yêu: Cái anh nầy!

Vào tới trong sân, tôi thoáng thấy những hòn non bộ có thể nói là tuyệt tác!
MH mời tôi vô nhà. Tôi biết là nhà không có ai vì hai cô em đã ghé qua đêm ở nhà ba má của họ rồi nên tôi còn đang dè dặt thì MH dục: “Được tiếng là anh hùng mà nhát như vậy sao? Xung quang đây có ai đâu mà anh ngại”.

Nàng rảo bước vào nhà trước, tra chìa khóa để mỡ cửa nhưng có lẽ vì bóng tối nên nàng vẫn còn loay hoay. Thấy vậy, tôi lên tiếng: Xin phép, để tôi giúp chị được không? MH đưa chìa khóa cho tôi. Tôi nói bóng gió: “Ổ khóa lâu ngày không dùng, nên bị rỉ sét.” Mỹ Hạnh rất tinh ý, nàng nhéo vai tôi và nói: Đừng có ỡm ờ. Vào nhà, bật đèn lên, thấy toàn là bao gạo! Mỹ Hạnh mời tôi ra phòng ăn. Nàng vào trong thay quần áo và trang điểm sơ qua rồi ra bão tôi: Anh vô rửa mặt cho mát. Có sẵn khăn mới đo, anh cứ dùng tự nhiên. Khi tôi vào làm công việc vệ sinh thì nàng đi pha cà phê. Lúc trở ra, tôi thấy nàng đang cầm chiếc muỗng (thật là điệu) ngoáy sữa ở đáy cốc, bên cạnh lại có chai Johnnie Walker. Tôi hỏi đùa: Chị có bỏ thứ gì đặc biệt trong đó không? (nghe nói: các cô muốn chài cậu nào thì bỏ vào ly nước một thứ gì thật quyến rũ của mình như nước bọt chẳng hạn. Không biết đúng hay không!) Anh đoán thử coi? Nàng nheo mắt rất là tình tứ, hỏi lại tôi. Và từ giờ phút thơ mộng đó, trong một ngôi nhà rộng lớn, một người đàn ông xa gia đình và một người đàn bà độc thân thì làm sao tránh được nguồn giao cảm! Tôi tuy không ở gần MH nhưng qua sinh hoạt hằng ngày của nàng, tôi thấy được là nàng đang mang một tâm trạng u buồn vì số phận hẩm hiu mà tôi nghĩ có lẽ là do sự vắng bóng của đức lang quân!

Tách cà phê bay mùi thơm phức, tôi khen: Chị thật là khéo tay! Chị không uống cà phê mà dự trữ cà phê và biết cả nghệ thuật pha chế thì quả thật là “Siêu” (khéo tay) rồi! Chắc ngày xưa anh nhà phải “thần phục” chị để được chị đãi cà phê mỗi sáng, phải không?

Làm gì có diễm phúc đó! Vừa nói nàng vừa đưa chai rượu cho tôi, đệm thêm: Em biết là anh rất thích uống cà phê pha một tí rượu Rhum hoặc Wishky nên hồi chiều em ra khách sạn Hương Giang này lại một chai và cũng may là nhằm thứ anh thích.

Tôi ngạc nhiên hỏi: Nhờ đâu mà chị biết được sở thích của tôi?

Không trả lời thẳng vào câu hỏi của tôi mà MH hỏi vặn lại: Vậy nhờ đâu anh biết được gia cảnh và tình trạng riêng tư của em, mặc dù trước đó chúng ta chưa hề có một sự liên hệ nào thì ai cấm em là người thọ ơn anh lại vô tình không tìm hiểu về anh hay sao?

Để không phụ lòng MH, tôi xin phép được mở nút chai rượu nầy và chúng ta mỗi người uống một chung để gọi là.... (như tri ngộ vậy), vừa nói tôi vừa liếc nhìn xem MH phản ứng thế nào.

MH giẫy nẩy: Em không biết uống rượu. Mời anh cứ tự nhiên đi. Em đãi anh đó!

Uống rượu là phải có bạn cùng uống – bạn đối ẩm ấy mà – Không uống được nhiều thì nhấm “xã giao” một chút vậy. Tôi nài nỉ.

MH nể tình nên cụng ly với tôi. Có lẽ không khí lúc đó làm cho nàng vui – mà cũng có thể nhờ men rượu – nên hai chúng tôi cảm thấy như không-gian đó chỉ dành riêng cho chúng tôi mà thôi. Bao nhiêu ý nghĩ cảm hóa nàng đã bị men rượu dồn dập chế ngự tôi. Để xua đuổi ý nghĩ đó, tôi nhìn đồng hồ và nói lãng sang chuyện khác: Bây giờ đã hơn mười một giờ đêm, cũng đã khuya rồi. Vậy tôi xin phép về để chị nghĩ. Vừa nói tôi vừa đứng lên, định quay ra cửa, nhưng MH bão: Đằng nào cũng đã muộn rồi, về lúc nào chẳng được mà phải nại ra vấn đề giờ giấc!

Không còn viện dẫn được lý do nào chính đáng khác để trốn tránh sự quyến rũ của một phụ nữ trẻ đẹp, tôi châm điếu thuốc, rít một hơi, phà khói thuốc lên trần nhà và bắt đầu câu chuyện: Trong đời quân ngũ, tôi mang ơn rất nhiều người, nhưng nghĩa cử của chị to lớn quá, không một lời nói nào của tôi có thể diễn đạt đầy đủ ý nghĩa thực sự như tôi mong muốn.

Anh nói quá lời! MH đáp. Anh quên rằng, nếu không có sự lưu tâm và giúp đỡ thiết thực của anh thì hơn hai năm qua, tứ thân phụ mẫu (cha mẹ chồng và cha mẹ ruột của MH) và ba chị em của em giờ đây đã ra sao? Mỗi khi chớm nghĩ tới thảm cảnh tối tăm đó, em rùng mình và hình ảnh của anh hiện về như một cứu tinh. Biết ơn anh là một chuyện, nhưng em luôn luôn thầm trách anh quá dửng dưng...., một điều chị, hai điều chị! Em nhỏ tuổi hơn anh nhiều lắm nhưng có lẽ vì em không đẹp mà lại vô duyên nên.....Tôi vội vàng ra dấu cho MH ngưng nhưng nàng chỉ im lặng được trong chốc lát rồi lại tiếp như muốn trút hết tấm lòng trắc ẩn và thân phận hẩm hiu của mình: Tại sao anh không chịu để ý hơn một chút? Anh ngại ngùng chăng? Có chăng là em đây nầy, nhưng em bất cần lời tiếng thị phi. Em nói thiệt đó! Qua cử chỉ, lời nói của anh, anh đã làm cho Em thương và quý mến Anh lâu rồi. Em không mong làm vợ hay người yêu của anh vì hai cương vị đó sẽ làm cho anh khó xử. Em chỉ muốn có một đứa con với anh, trai hay gái không quan trọng, để nó hủ hỉ với em là đủ rồi! Trước đây, em mang tiếng lấy chồng mà nào em có biết hương vị tình yêu là gì đâu! Giường ai nấy ngũ cơ mà. Ngay cả tứ thân phụ mẫu của em cũng không hề hay biết cái cảnh oái oăm đó. Nói ai tin?

Tôi thực sự chới với vì chưa bao giờ tôi nghĩ tới sự tình có thể xảy đến như vậy, nên tôi ngồi thừ người để suy nghĩ. MH đến đứng sau lưng tôi, hai bàn tay của nàng xoa nắn đôi vai tôi, cuối đầu sát tai tôi thủ thỉ như đôi tình nhân dỗ dành nhau khi hờn giận: Bất ngờ hả? Có khó khăn chi mô mà phải nghĩ ngợi. Em sẽ đi thử thỏ để biết chắc là em đã có mang, sau đó em sẽ lên Di Linh (Đà Lạt), tạm trú tại nhà một người bà con để chờ ngày sinh nở và khi sức khỏe của em trở lại bình thường, em sẽ bồng con trở về lại đây. Trong khi em đi vắng, em sẽ nhờ ba má và hai em thay phiên trông coi Đại Bài Gạo với sự trợ giúp của người làm. Thế là mọi việc sẽ chu toàn. Như rứa là thấy con cũng như thấy anh. Lúc đó cuộc đời vui rồi, còn đèo bòng chi nữa...... “À mà anh hãy yên tâm đi. Em sẽ đặt tên cho nó là Đạt Thịnh nếu là trai, và Mỹ Dung nếu là con gái. Em sẽ không làm phiền lòng anh. Vậy anh phải hứa là anh không được viện dẫn bất cứ lý lẽ nào để áp đặt “Phụ Hệ” với nó. Em hiến dâng trinh tiết của em cho anh chỉ với mục đích duy nhứt đó thôi. Anh hứa chứ? (**)

Chuyện đâu có đơn giản như MH. vừa nói. Con không cha sẽ làm cho đứa trẻ tủi thân, nhất là khi nó vào học và suốt cả cuộc đời của nó, sẽ mang tiếng con rơi và nó sẽ oán hận số phận của nó!

Anh đừng lo viễn vông. Em đã có cách. Em sẽ tuyên dương cha của nó là một người đàn ông đúng nghĩa, lý tưởng đối với em. Anh chịu chưa? (Có thể bà ấy đã thực hiện đúng như vậy, nghĩa là bà ấy đã thần tượng hóa người đàn ông đó vì vậy cho nên tới lúc nầy danh tánh của ông ta vẫn còn chưa tiết lộ cho con của bà biết). Cháu cũng nên biết làkhi người đàn bà cương quyết thực hiện một việc gì thì bằng cách nầy hay cách khác họ cũng sẽ thực hiện được. Tôi không bao giờ tin là có chuyện đó xảy ra trong dân gian Việt Nam, nhưng nó đã hiển hiện.

Với lời lẽ đanh thép của MH, tôi biết là dù có cố thuyết phục nàng lúc nầy cũng vô ích thôi. Thời gian sau nầy may ra sẽ giúp chúng tôi thông cảm với nhau hơn. Tôi cầu mong như vậy. Tôi lặng lẽ ra về.

Thế rồi chiến sự leo thang mỗi ngày một khốc liệt, do đó việc thăm viếng mỗi ngày một thưa dần cho đến khi tôi vội vã bôn đào khỏi Huế, bỡi cái lệnh quái ác của tổng thống N.V. Thiệu (ngày 23 tháng 3 năm 1975). Thời gian gần hai tháng, tôi lăn lộn trên khắp chiến trường Trị-Thiên, họa hoằn mới có vài chữ thăm hỏi đại khái để làm tin mặc dù khoảng không gian giữa chúng tôi không đầy 20 cây số (hay khoảng không đầy 5 phút trực thăng bay). Đúng một tháng sau, tôi bàng hoàng khi – cùng với gia đình bị thất thoát - (2 đừa con trai bị bắt làm tù binh) đạp chân lên phi trường Anderson (Guam) lúc 4 giờ sáng ngày 24/4/1975. Tuy nhiên, tôi vẫn hằng quan tâm tới sức khỏe và diễn tiến của những triệu chứng khả nghi của một người đàn bà sắp làm mẹ, dù cho tôi chưa hề được MH. báo tin vui (!) nào về kết quả những lần ân ái.

Cuộc sống ở Hoa Kỳ vốn đã khó khăn và bon chen đối với người di dân đã đành mà còn vất vả hơn đối với người tỵ nạn cộng sản vì số người Trung và Nam Mỹ nhập nội bất hợp pháp đã vừa nhận tiền công rẽ vừa làm bất cứ công việc nào mà người bản xứ chê không chị làm. Do đó, chúng tôi đã tranh thủ để làm bất cứ công việc gì, khả dĩ có chút ít tiền để trang trải cho cuộc sống. Nếu nói là quên đi tình cũ nghĩa xưa thì không đúng mà nói nhớ thì thực sự không đủ can đảm để gợi lại dĩ vãng.

Từ sau 1985, có các đợt di dân sang Mỹ theo diện Nhân Đạo, Đoàn Tụ và Con Lai. Tôi đã nhân cơ hội nầy để nhờ bạn bè bên Việt Nam để tìm tông tích của Mỹ Hạnh, nhưng vẫn biệt tăm! Lý do thất bại đó có lẽ là do một phần họ lo sợ Công an Cộng sản làm khó dễ, phần khác là do sự dè dặt của thân nhân MH vì không biết những người dò hỏi tin tức đó là ai. Cho đến năm 1995, trong một sự tình cờ, ông cựu trung tá trưởng phòng 4 của Sư Đoàn X (đồn trú tại Thừa Thiên) nói về vụ mất tích của chiếc trực thăng trên đó có tướng NVĐ, ông ấy vô tình tiết lộ là mẹ con bà MH đã qua Mỹ, theo diện nào, đi theo ai hay đi với ai và định cư ở đâu thì ông cũng không rõ. Ông chỉ nghe nói vậy thôi.Tôi hết sức hoang mang về nguồn tin nói rằng hai mẹ con bà MH đã qua Mỹ!? Tôi đã khéo léo và cố gắng tìm hiểu xem lai lịch của đứa bé đó là con của ai nhưng vô hiệu bỡi vì sau khi cộng sản chiếm Miền Nam, rất nhiều gia đình ly tán và thay đổi nơi cư trú – trong đó có bà MH – mà ngay cả thân nhân của bà ấy cũng không dám tiết lộ. Tôi cố công dò tìm, kể cả nhắn tin trên Web. và trên các báo tiếng Việt nhưng cho tới nay cũng chưa có kết quả nào. Tuy vậy, linh tính cho tôi biết rằng tôi có thể hy vọng.

VI.

Tới đây thì cổng trước từ từ mỡ ra và một chiếc xe Lexus 300 LX đen tiến vào. Tới bực thềm, một người đàn bà trạc lục tuần, mặc Âu phục màu mỡ gà bước xuống, ngoái nhìn xung quanh, có vẽ như bà muốn tìm một người nào, rồi vội bước vào nhà. Một phụ nữ rất trẻ, phục sức trang nhã, xuống xe, gọi người giúp việc ra phụ đem thực phẩm vào. Tôi đoán, có lẽ người đàn bà lớn tuổi là thân mẫu còn người thứ hai là hiền thê của bác sĩ Tim chăng.

Bác sĩ Tim xin phép tôi đem bình hoa vào trong nhà và đưa vợ và đứa con trai ra chào tôi. Tôi đứng dậy để nhận sự giới thiệu:

Thưa bác, Má của cháu bận điện thoại, lát nữa bà sẽ ra chào bác. Còn đây là Linh Trang (Linda) và Thái (Theodore/Tony) là vợ và con trai của cháu. Quay qua tôi, bác sĩ Tim nói: Còn đây là bác Thanh Phong cùng cư ngụ tại thành phố nầy.

Tôi xã giao đáp lễ và khen bé trai giống cha quá! Tôi chìa tay xin bồng nó và nó vui vẽ cho liền! (Phải chăng linh tính của nó đã nhận ra được thân tình?)

Linh trang hỏi tôi: Bác thích uống nước gì, cháu đi lấy để mời bác.

Tôi cảm ơn và nói: Tim đã mời bác ngay từ lúc mới tới rồi. Cảm ơn cháu. Cháu có bận việc gì khác thì cứ đi làm tự nhiên. Không phải khách khứa quan trọng gì đâu mà phải thủ lễ. Linh Trang xin phép tôi vào trong mà không “đòi” lại đứa bé tôi đang bồng trên tay.

Cháu được hơn bảy tháng. Nó ngoan nên được bà nội quý hơn vàng đó bác ạ. Tim nói.

Cháu dễ thương thế nầy, ngoài hai vợ chồng cháu, bà nội quý nó thì cũng hợp lý thôi. Cháu đích tôn mà! Tôi thực thà nói.

Khỏi nói! Nhiều lúc cháu cũng phải nhắc cầm chừng để bà không nuông chiều nó quá, lớn nó sẽ hư.
Má cháu nói: Tao đóng hai vai, cả cha lẫn mẹ nuông chiều mi từ lúc lọt lòng nhưng mi vẫn ngoan và học hành tới nơi tới chốn và hiếu thảo, có gì hư đâu! Tuy nhiên, nhiều lúc bà bồng nó ngồi một mình, bà nựng cháu với những câu nói bóng gió xa xôi, khó hiểu; làm cháu rất là phân vân, nhưng cháu không dám hỏi, sợ làm phật lòng bà.

Tới lúc thịt sườn nướng xong, bác sĩ Tim bão chị Ba vô nhà mời má và vợ của cậu ấy ra chung vui. Hai người đàn bà – một già một trẻ - từ trong nhà mang thêm thức ăn chơi và thức uống ra. Khi vừa để chúng lên bàn thì người mẹ nhíu mày, nhìn tôi chăm chăm và lẩm bẩm....Tôi đang mơ chăng?

Tôi nhận ra bà ấy ngay. Khuôn mặt không thay đổi nhiều so với thời gian hơn 27 năm qua. Tôi tiến tới gần bà ấy hơn và thủ lễ: Chào bà! Thật là vạn hạnh và cảm ơn Trời Phật đã cho tôi cơ hội nầy.

MH. có vẽ bối rối, ngập ngừng như chưa tìm ngôn từ nào thích hợp để đáp lễ. Linh Trang kéo ghế và mời bà ngồi.

Như phân trần để chạy tội, Bác sĩ Tim hướng về phía mẹ, nói: Thưa má! Từ ngày ra trường, con chưa bao giờ có cơ hội được khám bệnh hay điều trị cho một người Việt Nam nào cả. Tự nhiên, khi khám bệnh bác đây, con cảm thấy có cảm tình với ông. Con gọi điện thoại để hỏi ý kiến và xin phép má để con mời ông đến nhà mình chơi cho con có dịp đàm đạo với người đồng hương trưởng thượng, nhưng má đi vắng. Bây giờ có má, Con mong là má sẽ vui vẻ nhận lời.

Tới đây thì dáng điệu của bà MH đã không còn được bình tỉnh nữa nên Linh Trang nói với chồng: Có lẽ má không được khỏe, để em đưa má và con vào nhà. Bác sĩ Tim hỏi bà MH: Má có sao không? Bà đáp: Má cảm thấy hơi xây xẩm và mệt một chút. Thôi tôi xin phép ông khách để tôi vào nhà nghĩ chốc lát. Nhưng rồi sau đó nhạc Việt từ trong nhà văng vẳng vọng ra, dường như người ở bên trong đó, muốn nhờ lời văn trong những bản nhạc đó nhắn gởi đến người nghe, thay vì chính họ nói.

Khi tôi vừa đứng lên để nói lời cảm ơn và chào bác sĩ Tim để ra về thì một chiếc xe Toyota đời 90 cũng vừa đậu lại, cách chúng tôi không xa. Một người đàn ông cao niên, phục sức rất chỉnh tề, vóc dáng có vẽ phong sương, nhưng trông người có vẽ tương đối khỏe mạnh, bước xuống xe chậm rải tiến lại phía chúng tôi. Khi giáp mặt nhau, bác sĩ Tim hỏi ông ấy, như có ý cho tôi hiểu ngầm vị thế của ông ta trong ngôi biệt thự nầy: “Từ sáng tới giờ Ba Hiển đi uống cà-phê, có gặp bạn bè trao đổi được gì hấp dẫn không?” Ông Hiển chưa kịp trả lời thì bác sĩ Tim tranh thủ thời gian để giới thiệu tôi với ông ấy: Thưa Ba Hiển, đây là bác Thuận Phong, thân chủ của con ở Kaiser. Ông là người Việt Nam duy nhứt đến cho con khám bệnh tại Kaiser, từ ngày con tốt nghiệp (Lời Tác giả: Có lẽ không mấy người Việt có bảo hiểm của Kaiser vì họ không thông thạo Anh ngữ chăng!?) nên con mời bác ấy – với tính cách đồng hương và đặc biệt cảm tình - đến đây chơi cho biết. Ông Hiển và tôi, với lời lẽ và cử chỉ thật xã giao, bắt tay nhau. Có lẽ - qua vóc dáng củabác sĩ Tim - ông Hiển một phần nào đó đoán được tôi là ai (?) nên từ lúc đó cách xưng hô đến lời lẽ trong câu chuyện, tôi nhận ra là hình như tâm trạng của ông không được thoải mái và tự nhiên cho lắm. Bác sĩ Tim rất tinh ý nên bắt đầu câu chuyện như để đề cao vai trò của ông Hiển: “Bác biết không? Nếu không có ba Hiển đây thì má và cháu đâu có mặt ở đây, còn cháu sau khi tốt nghiệp là phải về lại Việt Nam như điều kiện cam kết với Lương Nông Quốc Tế - UNICEF. Ba Hiển giúp cho hai mẹ con của cháu qua đây theo diện HO. Nhờ đó, tình trạng di-trú của cháu được điều chỉnh và hợp thức hóa theo diện nầy.” Ba Hiển đây được coi như là ân nhân của gia đình. Khi thủ tục giấy tờ hoàn tất, ngoài việc má cháu phải bồi hoàn học bổng của UNICEF còn phải giải quyết ổn thỏa những gì má cháu đã hứa với ba Hiển đây trước khi lập thủ tục. Mấy lúc gần đây,má cháu rất bối rối và thường hay nhắc đi nhắc lại rằng “ngày xưa ba ruột của cháu đã tạo dựng cho má cháu một thương vụ khá qui mô (so với thời đó) để tự quản lý, làm phương kế sinh sống. Đời sống gia đình và chi phí cho cháu ăn học đến thành tài là nhờ nguồn tài trợ đó. Đối với cháu, có thể để cho việc ra khỏi nước được suôn sẻ, má cháu đã hứa với ba Hiển một điều gì đó – như tình cảm chẳng hạn -, thì cháu hoàn toàn không rõ. Do đó, từ khi qua Mỹ, ba Hiển viện dẫn lý do riêng, dọn về ở chung với một người bạn tại một chung cư, nhưng địa chỉ vẫn ở tại nơi tạm trú trước đây (theo thủ tục hành chánh, định cư của HO) và gia đình cháu xem ông như một người share phòng. Thỉnh thoảng ông lại lấy thơ và check tiền già. Má cháu thường than thở với cháu là “Nếu không vì tương lai của cháu thì bà không phải qua đây để rồi phải mang tiếng thị phi! (không rõ là vì việc gì!?) Nhiều khi cháu cũng không biết phải làm gì để cho má cháu vơi đi phiền muộn.

À thì ra thân mẫu của bác sĩ Tim đang gặp phải cảnh tình khó xử nên mới gây cho bà một xúc động mạnh khi đối diện với tôi.

Để bác sĩ Tim được trấn an, tôi nói: “Cây muốn lặn mà gió không ngừng.” Làm người nó khó là ở chỗ đó! Tuy nhiên, thời gian sẽ giúp giải quyết mọi khúc mắc. Không nên vội vàng. Cho tôi gởi lời chào thân mẫu của cháu và đây là số điện thoại để khi cần, có thể liên lạc với tôi. Chào cháu nhé.

Tôi tự nhủ là tôi vẫn tôn trọng lời hứa năm xưa tuy rằng không ai tin lời hứa đó có giá trị nào. Xin tạ lỗi. Bây giờ mọi quyết định đều ở nơi bà. Thành thật cáo lỗi và chào tất cả, tôi về.

Tôi rảo bước ra xe như một người đang chạy trốn, không biết trốn cái gì........ Tuy nhiên việc thử nghiệm DNA và câu tục ngữ “Lá Rụng Về Cội” thì không thể nào phủ nhận huyết thống được.

Thôi thì....

(*) Sau nầy tôi mới biết: Bs Tim thấy tên họ và tuổi tác đều đúng theo thân mẫu của ông nói nên kín đáo lấy mồ hôi và nước miếng của tôi xuống Lab. để thử DNA.(DeoxyriboNucleic Acid)
(**)
Anh Hứa Đi Anh
Mai Đình
Em đã yêu anh đến dại người,
Lòng em ngày tháng dễ nào nguôỉ
Yêu anh trên hết tình yêu mến,
Và sẽ yêu anh suốt một đời.

Anh lành anh sẽ tặng em chỉ
Tặng cả đời anh, cả hồn thi
Với tất những gì anh ước vọng,
Cả hồn, cả xác, cả tình si.

Anh hứa đi anh, hứa thế nghe!
Cho em tưởng tượng, em say mê,
Em quên ngày tháng, đời đau khổ
Để đón hồn anh lúc tái tê.

-----------------------------------------------------------------------------------------------

(*) Trung tá Vỉnh An, khóa 7 Đàlat. Từ ngày ra trường, phục vụ tại Sài gòn. Kết hôn với một người con gái ở trong Nam, không do cha mẹ tác thành. Họ sinh hạ được một đứa con trai. Khi lực lượng Mỹ ồ ạt đỗ vào V.N năm 1965 thì vợ của trung tá Vĩnh An đi làm cho cơ sở Mỹ. Ông nghe phong thanh rằng vợ của mình đang dan díu với một người Mỹ nên ông sinh lòng ghen tương. Ông buồn tình nên đâm ra ăn chơi trác táng rồi trở thành bất lực. Ông đã hành hung người Mỹ mà ông tình nghi là tình địch nên ông bị phạt kỷ luật và thuyên chuyển đến đơn vị tác chiến tại Quân Khu A. Trước khi rời khỏi Sài Gòn, trung tá Vĩnh An đã li dị với vợ, còn đứa con trai bảy tuổi, Vĩnh Bình do mẹ của nó nuôi dưởng. Ông xách ba-lô đáo nhậm đơn vị mới mà không có một chút kinh nghiệm bản thân về lãnh vực nầy nên không đơn vị trưởng nào dám giao cho ông chức vụ chỉ huy mà dù cho có đi nữa thì khi điều chuẩn an ninh (của An Ninh Quân Đội) cũng sẽ không được chấp thuận.Trong Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, ngành An Ninh Quân Đội đã tạo ra rất nhiều tai hại, nhất là trong lãnh vực cứu xét cái gọi là “Lập Trường Chính Trị” của cá nhân nào đó được đề bạt để giữ chức vụ quan trọng. Một khi tên của ai bị ghi vào Sổ Đen "Chống Mỹ” bất kỳ là tội danh nào, cũng đều không được trọng dụng và đường thăng thưởng cũng bị tắt nghẽn theo luôn. Tất cả sự kiện liên quan tới ông, cha mẹ của ông không hề hay biết nên khi ông trở về Huế, cha me của ông bắt ông phải lập gia đình. Vì gia đình thuộc hoàng tộc nên tinh thần phong kiến còn rất nặng mặc dù lúc đó đã là 1967 rồi. Còn chuyện gia đình của ông kết thông gia với gia đình cô Mỹ Hạnh, tôi không biết rõ lắm chỉ tiếc rằng cô Mỹ Hạnh không làm chủ được tình duyên của mình nên số phận trở nên hẩm hiu.

Trước Giờ Tạm Biệt. Cs Phương Diễm Hạnh

Không một ai thay đổi được những điều nằm trong Định Mệnh.

Định Mệnh Buồn. Cs Đức Huy & Mỹ Huyền.